Khảo chứng Thổ Thổ Cáp

  1. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Tổ tiên của ngài là người bộ tộc Án Đáp Hãn Sơn ở Chiết Liên xuyên [14], phía bắc Vũ Bình lộ [15], về sau dời sang tận cùng tây bắc, đến khu vực có núi Ngọc Lý Ba Lý, được bao bọc bởi hai con sông: trái là Áp Xích [16], phải là Dã Đích Lý [17][18], bèn định cư ở đó, đặt (quốc) hiệu là Khâm Sát. Đất ấy cách Trung Quốc hơn 3 vạn dặm, đêm mùa hạ cực ngắn, mặt trời mọc một lúc rồi lặn mất. Đất đai màu mỡ, cỏ cây tươi tốt, thổ sản hợp với ngựa. Người giàu có sở hữu cả vạn con. Có tục giữ đồ binh ở cạnh chỗ ngồi, tính dũng mãnh cương liệt, nhờ phong thổ mà được vậy.
  2. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Thủy tổ của ngài là Khúc Niên, cao tổ là Toa Mạt Nạp, tằng tổ là Diệc Nột Tư [19], đời đời làm Khâm Sát quốc vương. Thái Tổ chinh nước Miệt Khất [20], chúa của họ là Hỏa Đô chạy đến Khâm Sát, sai sứ dụ Diệc Nột Tư rằng: "Mày sao dám giấu con nai đã trúng tên của ta? Đừng làm vậy, vạ sắp đến với mày đấy!" Diệc Nột Tư nói với sứ giả rằng: "Chim sẻ trốn chim chiên, nhờ nơi rừng rậm mà được sống; ta còn không bằng cây cỏ ru?"
  3. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Năm đinh dậu, Hiến Tông ở tiềm để [21], phụng mệnh đánh dẹp, binh đã đến cõi, cha của ngài là Ban Đô Sát đưa cả tộc nghênh hàng,... Nguyên sử, tlđd: Thành Cát Tư hãn mệnh cho tướng đi dẹp. Diệc Nạp Tư đã già, trong nước đại loạn, con của Diệc Nạp Tư là Hốt Lỗ Tốc Man sai sứ nhận tội với Thái Tông. Mà Hiến Tông thụ mệnh cầm quân, con Hốt Lỗ Tốc Man là Ban Đô Sát đưa cả tộc nghênh hàng. Tân Nguyên sử, tlđd: Thái Tổ mệnh cho Triết Biệt, Tốc Bất Đài đánh Khâm Sát, ông nội của Thổ Thổ Cáp là Hốt Đô Tốc Man đưa con trai là Ban Đô Sát nghênh hàng.
  4. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Về triều, đế triệu đến trước giường úy lạo ông, ban cho tửu khí cùng kim tệ, quan phục Chích tôn để dự tiệc, một con chim cắt Hải Đông Bạch, còn ban cho đại trướng, dụ ông rằng: "Vũ trướng của tổ tông, không phải là nơi mà bề tôi có thể dùng, bởi khanh có thể giành lại, nên ban cho khanh." Hạ chiếu: "Người Khâm Sát là dân thuộc về chư vương, đều làm riêng hộ tịch cho họ, thuộc về Thổ Thổ Cáp; mỗi hộ được nhận 2000 xâu tiền, hằng năm ban cho thóc lụa, tuyển kẻ tài dũng, dùng làm túc vệ."
  5. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Mùa xuân năm thứ 24, Đông Phiên chư vương Nãi Nhan bạn, ngầm liên kết với đồng bọn Dã Bất Cán, Thắng Lạt Cáp ở bắc biên, gián điệp của 2 người vào trong quân, bị ngài bắt được, biết hết nội tình của họ, sai sứ báo về, còn nói: "Nên triệu bọn Thắng Lạt Cáp đến khuyết." Một ngày Thắng Lạt Cáp đặt tiệc, triệu ngài cùng Đóa Nhi Đóa Hoài, Đóa Nhi Đóa Hoài sắp đi, ngài ngăn ông ta rằng: "Hắn giấu diếm họa tâm, chúng ta đến, ắt bị bắt, đại quân còn ai thống lãnh?" bèn không đi. Sau đó có chỉ lệnh Thắng Lạt Cáp vào triều, sắp theo Đông Đạo mà đi. Ngài nói với Bắc An vương rằng: "Bọn chúng được chia đất ở mặt đông, ra đấy thì không lo gì nữa, ấy là thả cọp vào núi rằng vậy!" Bèn mệnh (ông ta) theo tây đạo mà đi. Có người nói Dã Bất Cán bạn, mọi người muốn trước hết báo về triều, rồi mới phát binh. Ngài nói: "Binh quý thần tốc, tôi tận trung với nước, đang lúc gặp việc cần phải quyền nghi. Nếu hắn quả thực đã bạn, binh chí có thể lập tức bắt ngay, không nên bó buộc mà phải nhanh lên." Mọi người lấy làm phải. Hôm ấy khởi hành, ngài làm tiền phong, rong ruổi 7 ngày đêm, vượt Thốc Ngột Lạt hà, cùng Dã Bất Cán giao chiến ở Bột Khiếp lĩnh. Hắn đại bại, bị bắt vô kể, Dã Bất Cán một mình chạy thoát.
  6. ^ Tô Thiên Tước, tlđd: Tháng 7 mùa thu, Thế Tổ tuần hạnh bắc biên, khen ngợi ngài rằng: "Nhớ khi xưa Thái Tổ khởi nghiệp, thua trận về tay Vương Hãn, cùng một, hai bề tôi hiền uống nước Ban Thuật hà [22], đến nay còn truyền tụng. Khanh có lòng son bảo vệ xã tắc, nức tiếng Sóc Nam [23], dẫu mất mà như vẫn còn [24], khanh hãy gắng lên." Về đến kinh sư, cùng quần thần ăn tiệc, lại dụ ngài rằng: "Người sóc phương đến, (kể rằng) Hải Đô có nói: ‘Chiến dịch Hàng Hải, giả sử biên tướng của họ người nào cũng thiện chiến như Thổ Thổ Cáp, tôi há được yên lành như thế này.’ Tất cả tướng sĩ có công, hãy lệnh cho họ vào triều kiến, trẫm muốn gặp mặt để khen thưởng." Ngài nói: "Theo điển lệ phong thưởng, tướng sĩ Mông Cổ nên ở trước bọn họ." Thế Tổ nói: "Khanh không cần nhường nhịn, nếu bọn chúng muốn được ở trên bọn ngươi, sao không ra sức chiến đấu như bọn ngươi!?" Hôm sau, triệu các tướng sĩ, ban thưởng có phân biệt.